Hiệu ứng tia của ống kính và những điều chưa biết

15/11/2017, 09:21 AM
Hiệu ứng tia (hiệu ứng ánh sao) của ống kính là một trong những yếu tố quan trọng để quyết định việc chọn mua của nhiều nhiếp ảnh gia, nhất là những nhiếp ảnh gia phong cảnh. Bài viết này sẽ tập trung xoay quanh vấn đề hiệu ứng tia của ống kính và những điều chưa biết, hy vọng sẽ đem lại cho các bạn những thông tin bổ ích.

Hiệu ứng tia của ống kính và những điều chưa biết


Hiện tượng nhiễu xạ và cơ chế hình thành tia

   -Nhiễu xạ là hiện tượng thay đổi hướng di chuyển của sóng ánh sáng khi đi qua khe hẹp hoặc cạnh của vật thể. Trong một chùm tia gặp cản trở, các tia bị thay đổi khác nhau, bao gồm các tia đi thẳng và các tia bị nhiễu xạ. Hiện tượng này áp dụng với tất cả các loại sóng như sóng nước, sóng điện từ.

Một hiệu ứng của nhiễu xạ được người dùng máy ảnh rất hưởng ứng, đó là hiện tượng tạo tia (hay còn được gọi là hiệu ứng sao hay tia mặt trời) khi khép khẩu. Ở điều khiện khẩu độ mở lớn nhất hoặc chưa khép khẩu sâu, lỗ khẩu ở dạng tròn hoặc diện tích còn lớn nên ánh sáng đi qua bị nhiễu xạ rất ít nên chúng ta không thể quan sát được hiện tượng tia. Khi lỗ khẩu được khép lại và có dạng đa giác, mỗi chùm tia đi qua một cạnh của lá khẩu sẽ bị chệch đi.

Hiệu ứng tia của ống kính và những điều chưa biết


Phần lớn các tia sáng sẽ bị chệch đi theo 2 hướng chính đối xứng nhau qua trục vuông góc với cạnh lá khẩu.
Chính vì thế, nếu ống kính của bạn có số lá khẩu lẻ thì số tia bạn nhận được sẽ bằng hai lần số lá khẩu, còn nếu số lá khẩu chẵn thì vì các tia đối xứng chồng lên nhau nên các bạn sẽ nhận được số tia bằng đúng số lá khẩu.

   -Một trường hợp ống kính có dạng tia đặc biệt nhưng ít được nhắc tới, đó chính là trường hợp các ống kính anamorphic dùng trong quay phim. Các ống kính này có phần lỗ khẩu dạng oval chứ không phải dạng tròn như lỗ khẩu bình thường nên mặc dù không cần phải khép khẩu, ánh sáng mạnh đi qua lỗ khẩu này sẽ nhiễu xạ theo trục dài của lỗ khẩu và tạo dạng flare 2 tia rất đặc trưng trong quay phim.

Hiệu ứng tia của ống kính và những điều chưa biết


Kiểm soát hiệu ứng tia như thế nào?

Để kiểm soát hiệu ứng tia, chúng ta cần lưu ý một số điểm sau.

   -Ống kính có lá khẩu thẳng (lỗ khẩu tạo hình đa giác) tạo tia đẹp hơn ống kính có lá khẩu cong
Do bản chất của ánh sáng nhiễu xạ, khi ánh sáng đi qua lỗ khẩu tạo bởi các lá khẩu thẳng thì hiệu ứng tia sẽ ra rõ ràng, còn nếu các lá khẩu dạng cong thì các tia nhiễu xạ bị phân tán và không tạo dạng tia rõ nét.

Cũng chính vì đặc điểm này mà một ống kính khó có thể tối ưu giữa hiệu ứng tia và hiệu ứng bokeh. Một ống kính có lá khẩu cong thì lỗ khẩu sẽ tròn hơn, sẽ tạo bokeh mịn mang và tròn trịa nhưng sẽ không tốt để tạo hiệu ứng tia.

Hiệu ứng tia của ống kính và những điều chưa biết


   -Che bớt nguồn sáng có thể làm tăng hiệu ứng tạo tia

Che bớt một phần nguồn sáng dùng để tạo tia (như mặt trời) bằng cản một phần nguồn sáng bằng cách sử dụng ngọn núi, chiếc lá, bức tường ở phía trước,…là một cách để các nhiếp ảnh gia tăng hiệu ứng tạo tia một cách đơn giản. Việc tạo cản trở nguồn sáng trước khi tới ống kính làm ánh sáng bị nhiễu xạ trước khi bị nhiễu xạ lần hai qua lỗ khẩu nên tỷ lệ các tia chệch hướng cao hơn và làm hiệu ứng rõ ràng hơn. Ngoài ra, việc che bớt nguồn sáng sẽ tạo vùng tối quanh nguồn sáng và làm tia nổi bật hơn.

   -Khẩu độ càng nhỏ, thời gian phơi sáng càng dài thì hiệu ứng tia càng rõ

Đặc tính tia của ống kính thay đổi phụ thuộc vào khẩu độ và thời gian phơi sáng. Thông thường ở khẩu độ lớn và khẩu độ trung bình, các tia sáng thường thiếu tập trung và xuất hiện nhiều tia phụ do lượng ánh sáng đi qua lỗ khẩu còn lớn và phức tạp.Khi hạ khẩu xuống (ở một mức nhất định) thì các nhóm tia nhiễu xạ sẽ được tập trung lại thành các tia rõ ràng và gọn.

Hiệu ứng tia của ống kính và những điều chưa biết


Tăng thời gian phơi sáng sẽ làm các tia dài hơn và nhìn chung có thể tăng hiệu ứng tia cho tấm ảnh.

Cần lưu ý là đôi khi giảm thời gian phơi sáng cũng có thể giảm bớt các hiệu ứng phụ không mong muốn và làm tia sạch hơn.

Các yếu tố khác ảnh hưởng tới hiệu ứng tia

Mặc dù đặc tính tia chủ yếu được quyết định bởi đặc tính lỗ khẩu, nhưng mức độ đẹp của tia có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác như filter, lỗi ống kính, flare hay phản xạ cảm biến…

   -Do nguồn sáng mạnh tạo tia có thể phản xạ trên bề mặt kính nên hiện tượng flare và ghost luôn đi đôi với các tia lấy từ nguồn sáng mạnh như mặt trời. Bên cạnh đó, một số ống kính có tia gọn, đẹp, nhưng khả năng chịu flare và ghost kém cũng làm tia không còn được rõ ràng khi phơi.

Hiệu ứng tia của ống kính và những điều chưa biết


   -Sau một thời gian sử dụng hoặc trong quá trình sãn xuất, đôi khi các lá khẩu không được xếp đều nhau cũng làm tia tạo ra không được cân đối nhất là đối với các ống kính tự động nguy cơ bị lệch đi một chút sau một thời gian sử dụng.

   -Bề mặt của ống kính hay filter bị bẩn cũng có thể gây ra một số hiệu ứng lạ làm ảnh hưởng đến chất lượng của hiệu ứng tia. Trừ khi bạn chủ động tạo hiệu ứng nghệ thuật cho tấm ảnh, việc lau sạch ống kính và filter cũng làm cải thiện chất lượng hình hơn.

Khi hạ khẩu sâu để đạt hiệu ứng tia như mong muốn, chúng ta phải hy sinh độ nét của ảnh.

Copyright © 2015 CÔNG TY CỔ PHẦN PHÂN PHỐI CÔNG NGHỆ BÌNH MINH

MST: 0110389212 Chi cục Thuế Quận Nam Từ Liêm
Địa điểm kinh doanh: Số 133 Hoàng Cầu , phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa , Thành Phố Hà Nội
STK : 915365888888 tại MB Hà Thành
Hotline : 0938338315 - 0919622882 - 0909858266
Hà Nội, Việt Nam, 115000