Những ngàm chuyển ống kính phổ biến cho máy ảnh hiện nay (Phần cuối)

28/10/2017, 08:01 AM
Việc tận dụng những ống kính cũ không thuộc cùng một hệ thống với chiếc máy ảnh mà bạn đang sử dụng đôi khi đem lại những khó khăn nhất định. Việc tìm ra một giải pháp ngàm chuyển tối ưu nhất cũng đủ khiến cho bạn đau đầu. Bài viết sau xin chia sẽ những những ngàm chuyển ống kính phổ biến cho máy ảnh hiện nay, mà bạn có thể quan tâm!
Những ngàm chuyển ống kính phổ biến cho máy ảnh hiện nay (Phần cuối)


Trong phạm vi kiến thức cũng như bài viết khó lòng có thể tổng quát và đi sâu đến từng ống kính cụ thể, mong rằng người xem có thể tìm thấy cho mình những thông tin bổ ích để áp dụng cho ống kính và máy ảnh của mình.

Ống kính Pentax (ngàm K hay PK) 

Cũng giống như Nikon, Pentax sử dụng ngàm K hay còn gọi là PK cho tất cả các hệ máy của mình (trừ medium format). Các máy ảnh có FFD từ Canon trở xuống đều có thể dùng ống kính Pentax ngàm K bình thường, tuy nhiên cần lưu ý:

   -Nhiều ống kính AF mới của Pentax không có vòng chỉnh khẩu nên mặc dù bạn có thể lấy nét bằng tay trên các máy khác, bạn sẽ phải chụp ở khẩu lớn nhất.

   -Với máy ảnh Canon DSLR dùng cảm biến APS-C, qua ngàm chuyển vật lý thông thường, các ống SLR của Pentax hoạt động tốt, nhưng với nhiều máy full frame, do kích thước gương lật lớn nên phần cần gạt và miếng chắn ở đuôi ống kính Pentax sẽ chạm vào kính khi chụp nên muốn dùng được bạn chỉ có cách cắt bỏ 2 phần nhô ra này. Mặc dù ống kính bị cắt bỏ 2 phần này vẫn có thể hoạt động trên máy Pentax nhưng giá trị sẽ bị giảm rất nhiều.

Những ngàm chuyển ống kính phổ biến cho máy ảnh hiện nay (Phần cuối)


   -Ngàm K còn được nhiều hãng khác chế tạo để dùng cho máy Pentax, như Takumar, Sigma, Revuenon, Tamron ... nên số lượng ống kính dùng ngàm K rất nhiều. Nếu bạn dùng máy mirrorless thì ngàm chuyển vật lý hiện nay cũng rất sẵn, trừ trường hợp các ống DA, FA bạn phải chấp nhận không chỉnh được khẩu độ như ở trên mình đã nói.

Ống kính M42 và M39

M42 và M39 thực chất là chỉ đường kính của ngàm (42 mm và 39 mm. Đây là loại ngàm được thiết kế rất đơn giản ở dạng ren có thể xoay để tháo ra, lắp vào). Ngàm M39 này cần phân biệt với ngàm L39 hay LTM của Leica mà đôi khi vẫn bị ghi nhầm là M39 vì mặc dù phần đuôi ngàm rất giống nhau.

   -Một số ống kính M39/M42 (như các ống Helios) khi dùng trên máy Canon DSLR full frame sẽ bị chạm phải gương khi bạn lấy nét ở vô cực, do phần thấu kính sau nhô ra về phía cảm biến nên bạn cần lưu ý.

   -Do cấu tạo ren xoay vặn nên các ngàm M42 thường có 2 loại là flange và no flange, tức là có hoặc không có phần giới hạn ren ở tận cùng của ngàm. Mục đích của flange là để giới hạn chuyển động của ống kính (do cấu tạo ren nên nó có thể thụt sâu vào trong máy) và với ống kính có ngạnh kim loại (pin) nhô ra dùng cho việc điều khiển khẩu thì flange sẽ đẩy cái ngạnh này vào trong ống kính khiến nó có thể điều chỉnh được khẩu độ trên ống.

Những ngàm chuyển ống kính phổ biến cho máy ảnh hiện nay (Phần cuối)


   -Đây là các ống kính sử dụng chế độ A (trên ống có cần gạt A/M) để dùng cho các máy đo sáng và chỉnh khẩu tự động. Chỉ khi ngạnh kim loại bị nén xuống thì người dùng mới có thể dùng ở chế độ M, còn nếu không thì ống sẽ luôn mở. Nếu bạn dùng ngàm không có flange mà ống kính A/M thì tốt nhất là dùng keo 502 gá chặt cái ngạnh vào ống kính, không cho nó nhô ra.

   -Với máy ảnh Nikon DSLR, không có cách nào để dùng ống M42/M39 có thể lấy nét tới vô cực ngoài cách thay (mod) ngàm sang Nikon F. Các ngàm có thấu kính để đạt nét tại vô cực thì không nên dùng vì chất lượng ảnh bị giảm đáng kể.

   -Với máy Pentax (FFD bằng M42), trên thị trường có vòng chuyển cho ống M42 có phần đáy rất mỏng, tuy nhiên ngàm này cần đặt thẳng vào ngàm trên máy ảnh và nhiều khi rất khó để gỡ ra. 

   -Với các máy không gương lật, ngàm chuyển từ M42 rất sẵn, thậm chí cả các ngàm tilt/tilt-shift cũng có. Nhờ cấu tạo có thể xoay vặn nên có một mẹo nhỏ để lấy nét gần là bạn có thể xoay nhẹ ống kính lỏng ra cho nó tiến xa hơn khoảng cách tới cảm biến và bạn có thể chụp gần hơn một chút.

Những ngàm chuyển ống kính phổ biến cho máy ảnh hiện nay (Phần cuối)


Ống kính ngàm Leica LTM (L39/M39), M

Như đã nói ở trên, ngàm Leica L39 hay LTM rất dễ nhầm với ngàm M39 của các máy ảnh Nga cũ, bạn nên lưu ý độ dày của ngàm chuyển để phân biệt.

Ngàm này được sử dụng rất phổ biến cho các máy rangefinder và do nhiều hãng cùng sản xuất như Canon, Minolta, Leica, Voigtlander... Ngàm LTM và ngàm M chỉ khác nhau 1 mm về độ dày nên nếu muốn chuyển từ ngàm LTM sang ngàm M, bạn cần có 1 vòng chuyển có thể tháo, lắp dễ dàng.

Nếu bạn đang dùng máy ngàm M hoặc các ngàm chuyển cho ngàm M thì chỉ cần thêm vòng này cho các ống LTM bạn có. Do độ dày cần rất chính xác là 1mm nên bạn nên cẩn thận khi chọn vòng chuyển, vì chỉ cần dày hơn 1mm một chút là ống kính đã mất khả năng lấy nét ở vô cực.

Những ngàm chuyển ống kính phổ biến cho máy ảnh hiện nay (Phần cuối)


Hai loại ngàm này đều có thể dùng trên các máy mirrorless và bạn còn có thể dùng ngàm close focus của Voigtlander để lấy nét cận. Loại ngàm này có thể đẩy ống kính lên khi cần và có tác dụng như một ống tube kéo dài giúp bạn chụp gần vật thể hơn trong khi bạn vẫn có thể lấy nét tới vô cực.

Ống kính Olympus (ngàm OM, FT và 4/3)

Ngoài hệ máy DSLR như thông thường, máy ảnh Olympus còn có hệ máy half-frame (Pen F, có cỡ film bằng nửa film 35 mm) và máy cùng với Panasonic sản xuất hệ máy 4/3 (có cỡ film, cảm biến 4 x 3 inch hay 18 mm × 13.5 mm) và hiện nay là máy mirrorless micro four thirds (MFT) có cùng kích cỡ cảm biến với hệ máy 4/3. Vì thế nên khi nghĩ đến việc chuyển ngàm ống kính Olympus, bạn cần xác định ống kính đó thuộc hệ máy nào.

Ống Olympus Zuiko OM có thể dùng trên các máy có FFD từ Nikon trở xuống (trừ Pentax). Trường hợp bạn đang dùng máy Nikon thì hiện nay đã có ngàm thay thế ngàm OM bạn có thể tự thay và chuyển ngàm OM sang ngàm F được. Với các máy khác như Canon DSLR hay các máy mirrorless thì ngàm chuyển vật lý thông thường hiện nay rất sẵn.

Những ngàm chuyển ống kính phổ biến cho máy ảnh hiện nay (Phần cuối)


Ống Pen-F được thiết kế cho các máy half frame của Olympus (bạn cần tránh nhầm lẫn với máy MFT Pen-F hiện đang sản xuất) là hệ máy duy nhất chỉ Olympus có. Mặc dù có thể bao phủ cảm biến có 1 cạnh 35mm giống như cảm biến full frame, cạnh còn lại của phim máy Pen-F, FT, FV chỉ bằng một nửa nên ống kính loại này không dùng được cho máy ảnh full frame mà chỉ phù hợp với máy có cảm biến từ APS-C trở xuống. Bạn có thể tìm ngàm chuyển dễ dàng bằng cách tìm từ khóa PenF-EOS, PenF-FX, PenF-m4/3, PenF-NEX...

Ống Four third hay 4/3 là các ống kính AF dùng cho máy DSLR với cảm biến 4/3 nên những ống này chỉ có thể dùng cho máy 4/3 hoặc m4/3 (MFT). Ngàm chuyển chính hãng từ 4/3 sang m4/3 đều là các ngàm chuyển AF, cho phép bạn lấy nét tự động được trên máy m4/3, tuy nhiên tốc độ AF còn tùy thuộc ống kính bạn dùng là gì.

Hiện nay có 1 ngàm chuyển của Panasonic (DMW-MA1) và 3 ngàm chuyển của Olympus (MMF-1, MMF-2, MMF-3) trong đó ngàm DMW-MA1 tương đương MMF-1, ngàm MMF-2 có chất lượng tốt hơn MMF-1 một chút và MMF-3 là ngàm phát triển gần đây nhất với weather seal. Gần đây hãng Yongnuo của Trung Quốc đã phát triển bản copy của MMF-3 với giá rẻ hơn và ngoài ra là các ngàm chuyển vật lý đơn thuần (không có AF hay chỉnh khẩu).


Lưu

Copyright © 2015 CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VÀ PHÂN PHỐI BÌNH MINH

GPDKKD số 0310697334, cấp ngày 17/03/2011 tại Sở kế hoạch và Đầu tư TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ trụ sở: Điểm công nghiệp Tân Hội, Xã Tân Hội, Huyện Đan Phượng, Hà Nội
Địa điểm kinh doanh: Số 2 ngõ 111 Láng Hạ, Phường Láng Hạ, Quận Đống Đa, Hà Nội
Show room:Toà Sarica B.002, Đường D9, Khu Đô Thị Sa La, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức (Quận 2 cũ)
Hồ Chí Minh, Việt Nam, 700000