Thông số kỹ thuật của loa nói lên điều gì?

20/11/2018, 10:34 AM

Một trong những cách giúp bạn chọn được những bộ loa ưng ý, hợp lý dành cho nhu cầu sử dụng của bản thân đó chính là hiểu rõ về cặp loa hay nói chính xác hơn là hiểu rõ về thông số kỹ thuật của cặp loa đó. Nếu hiểu được thông số kỹ thuật, người dùng dễ đánh giá được sơ bộ giá trị và khả năng thực sự của loa. Nhưng liệu rằng bạn đã hiểu hết các thông số kỹ thuật in mặt sau của loa hay trên sách hướng dẫn sử dụng chưa? và những thông số kỹ thuật đó nói lên điều gì? Hãy để BinhMinhDigital giải đáp những thắc mắc này cho bạn nhé!

 

Đầu tiên hãy điểm qua những thông số kỹ thuật phổ biến trên loa:

  • Số đường tiếng
  • Số lượng & kích thước từng củ loa bass, mid, treble...
  • Công suất định mức/Công suất đỉnh
  • Độ nhạy
  • Tần số đáp ứng
  • Trở kháng
  • Kích thước & trọng lượng loa

Số đường tiếng

Để tái tạo lại được âm thanh gửi đến thính giả, một bộ loa phải thể hiện đủ 3 dải âm là bass (trầm), mid (trung) và treble (cao). Số đường tiếng thể hiện số loại củ loa mà một chiếc loa sử dụng để tái tạo lại 3 dải âm này. Cũng cần lưu ý là số đường tiếng được tính bằng loại củ loa, chằng hạn như nếu một chiếc loa sở hữu 1 tweeter và 2 woofer thì nó vẫn được tính là 2 chứ không phải 3 đường tiếng.

Để có được độ chuẩn xác cao nhất, loa 3 đường tiếng là sự lựa chọn hàng đầu. Tuy nhiên trên thực tế những dòng loa 3 đường tiếng là khá đắt đỏ, vì vậy bạn sẽ thấy rất nhiều dòng loa giá rẻ sở hữu chỉ 2 đường tiếng. Trong một số dòng loa siêu cao cấp, nhà sản xuất còn tích hợp thêm một “super tweeter”, nhận trách nhiệm tái hiện âm thanh ở dải tầng số siêu cao một cách chuẩn xác nhất, nâng số đường tiếng lên con số 4.
Riêng đối với loa siêu trầm (loa sub), nó chỉ sở hữu duy nhất một đường tiếng và không có bất kỳ nhiệm vụ nào khác ngoài việc tái hiện dải âm trầm.

 

Số lượng và kích thước từng củ loa bass, mid, treble....

Để thể hiện các dải tần kể trên, các mẫu loa thùng thường gồm các củ loa nhỏ bên trong. Có 4 loại củ loa phổ biến: Tweeter (tái tạo dải cao), Woofer (tái tạo dải thấp), midrange (tái tạo dải trung) và sub-woofer (tái tạo dải siêu thấp). Trong đó các loại loa thùng bạn thường thấy thường trong các dàn âm thanh làm sự kiện sẽ bao gồm Tweeter và Woofer là đáp đáp ứng được yêu cầu sử dụng loa cơ bản. Loa sub sẽ chỉ có sub-woofer và sẽ đảm nhận nhiệm vụ thể hiện dải tần siêu trầm, tăng uy lực và độ tinh tế cho dàn âm thanh.

Kích thước của từng củ loa này cũng khác nhau khá nhiều. Ví dụ như các loại Tweeter thể hiện dải tần số cao sẽ cần dao động với tốc độ rất cao, vì vậy kích thước của các củ loa này thường rất bé. Còn Woofer thì trái ngược lại, củ loa cần có kích cỡ đủ lớn để tái hiện âm thanh được mạnh mẽ hơn. Chính vì thế mà người ta thường ưu tiên loa sub với củ loa 5 tấc (bass 50) hơn so với các loại củ loa 4 tấc (bass 40) khi trình diễn âm thanh.Việc cân đối giữa kích thước của loa với chất liệu làm màng loa cũng như cấu trúc thùng loa để tạo ra chất âm tốt nhất là bí quyết của các hãng sản xuất, vì vậy bạn cũng không cần quan tâm lắm đến yếu tố này. 

 

Công suất / công suất đỉnh

Công suất là yếu tố thể hiện độ lớn âm thanh phát ra từ loa, được tính bằng đơn vị watt. Một chiếc loa có công suất càng lớn thì âm lượng tối đa của nó càng cao. Công suất đỉnh là công suất tối đa mà chiếc loa của bạn có thể lên được trong một thời gian ngắn, khác với công suất thông thường có thể phát liên tục mà không ảnh hưởng đến tuổi thọ của loa.

Để có được dàn loa tối ưu nhất, bạn nên kết hợp loa với âmli có công suất tương đương hoặc thấp hơn một chút ở cùng một mức độ trở kháng. Chằng hạn như loa có công suất là 150 W ở mức trở kháng 8 ohm, bạn nên phối nó với một chiếc âmli có công suất tương tự hoặc thấp hơn. Cần lưu ý là bạn nên lựa chọn công suất theo nhu cầu của mình chứ không nên ưu tiên càng cao càng tốt. Trên thực tế, một bộ loa gia đình với công suất khoảng 150 W là phù hợp với không gian phòng 25-40 m2. Các dòng loa có công suất cao cỡ 1000 W thường dành cho các buổi tiệc, âm lượng cao nhưng chất âm kém sẽ khó có thể làm bạn hài lòng.

Độ nhạy của loa (sensitivity)

Một thông số kỹ thuật loa quan trọng khác cần quan tâm khi mua loa đó là độ nhạy. Độ nhạy thường được tính bằng đơn vị decibel (dB), và dùng để mức áp suất âm thanh mà loa có thể tạo ra. Ví dụ, loa có độ nhạy 88dB sẽ cung cấp mức áp suất âm thanh 88 decibel với nguồn điện vào 1 watt và đo ở khoảng cách 1 mét.

Biết được thông số này bạn có thể chọn được công suất đầu ra phù hợp cho ampli phối ghép. Thông thường loa có độ nhạy càng cao thì càng dễ đánh, còn loa có độ nhạy càng thấp thì càng khó đánh (cần công suất đầu ra của ampli cao).

Một vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất đó là loa có độ nhạy cao nghe sẽ hay hơn hay dở hơn so với loa có độ nhạy thấp. Tuy nhiên, cần lưu ý là chất lượng của một cặp loa sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, từ thiết kế, chất liệu của thùng loa, củ loa cho đến thiết bị phối ghép. Do đó, độ nhạy không nói lên chất lượng của loa mà chỉ cung cấp cho người nhìn cái nhìn rõ hơn về mối tương quan về công suất của loa và ampli.

Trở kháng

Trở kháng của loa thường được nhà sản xuất chọn ở mức phổ biến là 4 ohm, 6 ohm hoặc 8 ohm. Trở kháng này do cuộn dây bên trong loa quyết định.Biết được trở kháng, người dùng sẽ biết được khả năng tương thích với ampli dùng trong phối ghép.

Loa có trở kháng càng lớn thì ampli càng dễ “lái” (drive). Loa có trở kháng 8 ohm sẽ dễ “lái” hơn so với loa 4 ohm. Thông thường, các nhà sản xuất ampli sẽ liệt kê công suất đầu ra theo từng loại trở kháng để người dùng có căn cứ phối ghép.

Tần số đáp ứng

Tần số đáp ứng là thông số biểu diễn khả năng tái tạo tần số từ mức thấp nhất tới cao nhất của loa. Ví dụ loa có tần số đáp ứng từ 30Hz – 30kHz sẽ có khả năng tái tạo âm trầm thấp nhất là 30Hz và âm cao cao nhất là 30kHz.

Tần số đáp ứng của loa không cho biết cặp loa đó nghe hay hay nghe dở. Thêm vào đó, thông số này cũng được nhiều người đánh giá cao bởi nó thường được các nhà sản xuất công bố nhằm mục đích quảng bá. Ngoài ra, các quy chuẩn đo đạc cũng không được các nhà sản xuất thống nhất dẫn đến việc thiếu hụt độ tin cậy và tính tham chiếu.

Kích thước và trọng lượng

Loa có nhiều kiểu, từ loa cột to lớn cho đến loa bookshelf nhỏ gọn. Tuỳ theo không gian phòng, bạn nên lựa chọn kích thước loa phù hợp nhất cho mình. Bạn không cần một chiếc loa lớn, bạn cần âm thanh của nó phát ra phải chất. Không phủ nhận rằng các dòng loa cao cấp thường rất khổng lồ và hoành tráng, nhưng nếu ép buộc đặt vào một không gian nhỏ tí thì không những vừa kệch cỡm vừa khiến nó không thể hiện được hết khả năng của mình.

Trong khi đó, trọng lượng của loa cũng đóng vai trò rất quan trọng. Loa càng nặng thì độ ổn định càng cao, giúp âm thanh phát ra được chuẩn xác hơn. Tuy nhiên tuỳ theo yêu cầu sử dụng, một số dòng loa sẽ được thiết kế với trọng lượng nhẹ. Chẳng hạn như loa cột luôn ưu tiên trọng lượng cao trong khi loa vệ tinh hoặc loa bookshelf thường nhẹ hơn rất nhiều để tiện việc thiết lập (đặt lên kệ hoặc treo tường).

Trên đây là những yếu tố cần quan tâm về thông số kỹ thuật của loa giúp bạn đọc hiểu thông số nhà sản xuất đưa ra để dễ dàng trong việc chọn mua loa phù hợp với nhu cầu của mình. Chúc các bạn sẽ lựa chọn cho mình được một bộ loa ưng ý nhất. 

>>> Hiện Thế Giới Điện Máy Binh Minh Digital đang có chính sách mua trả góp loa chính hãng tại các chi nhánh Đà NẵngHà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nha Trang và các chi nhánh khác trên toàn quốc. 

 

 

Copyright © 2015 CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VÀ PHÂN PHỐI BÌNH MINH

GPDKKD số 0310697334, cấp ngày 17/03/2011 tại Sở kế hoạch và Đầu tư TP.Hồ Chí Minh
Trụ sở chính: 116 Nguyễn Văn Thủ, phường Đa Kao, quận 1, TP.Hồ Chí Minh, Việt Nam
Show room:Toà Sarica B.002, Đường D9, Khu Đô Thị Sa La, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức (Quận 2 cũ)
Hồ Chí Minh, Việt Nam, 700000