Hệ thống máy ảnh gương mờ DSLT của Sony có gì khác biệt so với DSLR?

12/08/2017, 00:58 AM

Cụm từ DSLR thì ai cũng đã nghe qua, nhưng máy ảnh DSLT thì lại khá xa lạ với một số người. Khác với Canon và Nikon hay một vài hãng khác, các máy ảnh Sony ngàm A lại được thiết kế theo hệ thống DSLT. Vậy máy ảnh gương mờ DSLT là gì? Và nó có gì khác so với DSLR truyền thống?

 

Khái niệm DSLR và DSLT

  + Gương lật DSLR: viết tắt của Digital Single Lens Reflex, nghĩa là phản xạ ống kính đơn kỹ thuật số. Các máy ảnh DSLR sẽ có chiếc gương lật trước cảm biến để phản xạ ánh sáng đi vào từ ống kính lên lăng kinh năm cạnh ở phía trên, sau đó ánh sáng lại tiếp tục được phản xạ tới kính ngắm. Đồng thời, trên gương lật này sẽ có một lỗ cực nhỏ để ánh sáng chui qua đó, tới một chiếc gương nhỏ hơn ở sau gương lật để phản xạ xuống cảm biến lấy nét AF phía dưới.

Hệ thống máy ảnh gương mờ DSLT của Sony có gì khác biệt so với DSLR?

Do đó, những gì ta nhìn thấy trên ống ngắm là những hình ảnh thực tế nhất của khung hình được thu vào ống kính, ống ngắm này được gọi là OVF (Optical View Finder) tức kính ngắm quang học. Khi bạn bấm chụp, gương lật sẽ lật lên để ánh sáng từ ống kính đi thẳng vào cảm biến. Hình ảnh dưới đây là minh họa rõ nhất cho DSLR:

Các máy ảnh DSLR được Canon và Nikon phát triển một cách mạnh mẽ từ các máy ảnh phim SLR ngày xưa. Bên cạnh đó còn có Pentax hay 1 vài hãng khác cũng tham gia sản xuất loại máy ảnh này.Ta có Nikon D810 hay Canon 5D Mark IV là tiêu biểu cho hệ thống DSLR.


  + Gương mờ DSLT: là viết tắt của Digital Single Lens Translucent có nghĩa là gương mờ ống kính đơn kỹ thuật số. Đây là công nghệ được hãng Sony phát triển dựa trên hệ thống DSLR của Canon và Nikon. Hệ thống máy ảnh DSLT mặc dù vẫn có một gương lật trước cảm biến giống như DSLR, nhưng khác biệt lớn nhất là ở chỗ đó không phải là gương phản chiếu ánh sáng hoàn toàn mà là gương mờ. 70% ánh sáng từ ống kính sẽ đi xuyên qua gương mờ để tới thẳng cảm biến bên trong. 30% ánh sáng còn lại sẽ được phản xạ lên một cảm biến lấy nét khác trong máy. Và khi bạn bấm chụp thì gương lật không cần phải lật để ánh sáng đi qua cảm biến nữa.

Hệ thống máy ảnh gương mờ DSLT của Sony có gì khác biệt so với DSLR?

Như vậy, hệ thống DSLR có tới hai cảm biến: 1 là để tạo ảnh như thông thường, 2 là để lấy nét. Lúc này, hình ảnh mà bạn được thấy trong ống ngắm không phải là hình ảnh được phản xạ trực tiếp từ ống kính tới kính ngắm, mà là hình ảnh được tái tạo từ cảm biến lấy nét. Ống ngắm này được gọi là EVF (Electric View Finder) tức là kính ngắm điện tử. Những gì mà bạn thấy từ ống ngắm EVF là những hình ảnh đã được cảm biến lấy nét và cảm biến chính tái tạo lại từ ánh sáng đi vào nó.

Các máy ảnh DSLT do đó, dù có kích cỡ to lớn và ngoại hình giống DSLR nhưng vẫn có sự khác biệt về cơ chế lấy nét, kính ngắm và cả cái gương lật ngay trước cảm biến. Các máy ảnh Sony ngàm A chính là đại diện tiêu biểu cho các hệ thống DSLT. Ta có hai mẫu: Sony A99 Mark II (Full-frame) và Sony A77 Mark II (Crop) là hai máy ảnh ngàm A thuộc hệ thống DSLT của Sony hiện đang còn được bán trên thị trường. Bạn có thể nhìn vào hình dưới để hiểu rõ hơn về DSLT:

 

Tóm lượt so sánh DSLR và DSLT

Hệ thống máy ảnh gương mờ DSLT của Sony có gì khác biệt so với DSLR?

Từ những phân tích trên, chúng ta có thể tóm lượt sự giống và khác nhau giữa DSLR và DSLT trong bảng sau:

 

DSLR

DSLT

Ngoại hình

To lớn

To lớn

Thay đổi ống kính

Có thể thay đổi ống kính

Có thể thay đổi ống kính

Gương phản xạ bên trong

- Sử dụng gương lật phản xạ ánh sáng lên kính ngắm quang học OVF

- Gương lật sẽ tự động lật lên khi bấm chụp để ánh sáng đi vào cảm biến, kết thúc quá trình chụp gương sẽ lật xuống trở về vị trí cũ.

- Nếu sử dụng chế độ chụp Live View hay quay phim thì gương lật sẽ tự động lật lên và được khóa lại để ánh sáng vào cảm biến.

- Gương có một lỗ nhỏ để ánh sáng đi lọt qua tới cảm biến lấy nét bên dưới.

- Sử dụng gương mờ có hình dáng giống y chang gương lật phản xạ của DSLR nhưng ánh sáng chỉ phản xạ 1 phần lên cảm biến lấy nét, một phần đi xuyên qua gương tới thẳng cảm biến

Kính ngắm

OVF (kính ngắm quang học)

Được tích hợp lăng kính năm mặt ở đầu gù phía trên nhắm phản xạ ánh sáng từ gương lật tới ống ngắm

EVF (kính ngắm điện tử)

Không sử dụng lăng kính năm mặt do hình ảnh được tái tạo từ cảm biến do đó trọng lượng có nhẹ hơn đôi chút.

Hãng sản xuất

Canon, Nikon, Pentax…

Sony

Trên thực tế, DSLT là do Sony nghĩ ra và chỉ mới được áp dụng cho các máy ảnh ngàm A của mình trong vài năm trở lại đây. Trước đây, Sony cũng đã từng sử dụng hệ thống DSLR cho các máy ngàm A của mình, tiêu biểu như chiếc Sony A580.

 

Ưu điểm của hệ thống DSLT

Do sự khác nhau khá lớn về cách nhận ánh sáng của cảm biến cũng như cơ chế lấy nét nên đã có một cuộc tranh cãi không ngừng nghỉ về khả năng của hai hệ thống này. Chúng tôi đã tìm ra được những ưu điểm nhất định của hệ thống DSLT:

  1. Chất lượng hình ảnh

Dĩ nhiên ai mua máy ảnh cũng muốn chụp được những bức ảnh đẹp nhất. Thực tế thì chất lượng hình ảnh phần lớn được tạo ra từ cảm biến với kích cỡ, bộ xử lý và tốc độ lấy nét. Có thể khi nói tới các vấn đề này thì hai hệ thống hoàn toàn cho ra chất lượng hình ảnh tương xứng nhau. Tuy nhiên,có một vấn đề khác có tác động khá lớn tới chất lượng hình ảnh chính là sự rung động. DSLR có gương lật và mỗi lần chụp gương phải lật rất mạnh nên có thể gây ra những rung động làm ảnh hưởng sự sắc nét hình ảnh. Trong khi đó, DSLT với gương mờ không cần lật như phân tích ở trên vẫn có thể chụp ảnh. Vậy nên nó chiếm ưu thế cho ảnh sắc nét hơn. Điều này đặc biệt đúng với trường hợp chụp ảnh tốc độ thấp mà không có chân máy đủ để cố định vững chiếc máy.

  2. Tốc độ lấy nét AF

DSLT được chứng minh thực tế là có hệ thống AF nhanh hơn so với DSLR trong nhiều trường hợp. Việc xuất hiện cảm biến lấy nét riêng biệt được tiếp nhận 30% ánh sáng phản xạ từ gương mờ đã khiến khả năng lấy nét của nó khá là nhanh nhạy.

  3. Kính ngắm

Đã có nhiều lời than phiền về đỗ trễ hình ảnh từ kính ngắm EVF trên các máy ảnh mirrorless nhưng DSLT được cấu tạo hoàn toàn khác so với mirrorless. Độ trễ hình ảnh từ EVF không phải là thứ đáng ngại so với người chụp. Lợi thế lớn hơn nữa là nó cho phép bạn có thể nhìn được hình ảnh kết quả trước khi chụp bởi lý do hình ảnh trên EVF là hình ảnh đã được tái tạo từ cảm biến với các thông số đã được tùy chỉnh. Nếu bạn thay đổi một thông số nào như ISO hay tốc độ thì hình ảnh trên EVF sẽ có sự thay đổi ngay lập tức. Nhờ đó, bạn có thể biết trước được tấm ảnh mình chụp ra sẽ như thế nào và có sự điều chỉnh cho hợp lý.

(Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là tất cả đều thích EVF. OVF có lợi thế cho hình ảnh quang học trực tiếp và người chụp cảm nhận được sự chân thật hơn).

  4. Tốc độ chụp liên tục

Do gương mờ không cần lật khi chụp ảnh nên các máy ảnh DSLT thường có tốc độ chụp liên tục cao hơn so với DSLR. Điều này được lý giải bởi gương lật của DSLR phải lật liên tục trong một giây khiến độ bền không được đảm bảo, do đó khó có thể sản xuất ra những máy DSLR có tốc độ chụp cao. Nếu so sánh thì những máy DSLR có tốc độ chụp liên tục cao thì kéo theo giá thành cũng cao hơn so với DSLT.

  5. Quay phim video

Khả năng lấy nét nhanh hơn và cảm biến được chế tạo để nhận ánh sáng trực tiếp nên DSLT cho khả năng quay video tốt hơn với DSLR.

 Hệ thống máy ảnh gương mờ DSLT của Sony có gì khác biệt so với DSLR?

Nhược điểm của hệ thống DSLT

  1. Hiệu suất ánh sáng kém: do chỉ có 70% ánh sáng đi vào cảm biến trong suốt quá trình từ quan sát tới khi chụp kể cả khi đã ra ảnh cho nên hiệu suất ánh sáng của DSLT sẽ có phần kém hơn so với DSLR.

  2. Tiêu hao năng lượng: các máy ảnh DSLT có thể tiêu hao năng lượng nhiều hơn so với SDLR nên số lần chụp ảnh trong một lần sạc đầy pin sẽ thấp hơn nhiều so với DSLR. Nguyên nhân của việc này chính là DSLT sử dụng kính ngắm EVF với hình ảnh được tái tạo từ cảm biến. Cảm biến phải gồng mình làm việc liên tục khi đón nhận 70% lượng ánh sáng đi xuyên qua gương mờ.

Đã có câu hỏi tại sao hệ thống DSLT không sử dụng kính ngắm OVF và câu trả lời là không thể. DSLR phản xạ gần như 100% ánh sáng đi vào lên kính ngắm OVF nên hình ảnh sẽ rất sáng và rõ dù bạn có khép khẩu nhỏ nhất khi chụp. Nhưng với 30% lượng ánh sáng ít ỏi được phản xạ từ gương mờ, nếu DSLT sử dụng kính ngắm OVF thì khi khép khẩu nhỏ nhất sẽ làm cho hình ảnh bị tối và mờ đi rất nhiều lần bởi không đủ ánh sáng.

Hệ thống máy ảnh gương mờ DSLT của Sony có gì khác biệt so với DSLR?

Trên đây là những nghiên cứu và phân tích kỹ nhất của chúng tôi về hai hệ thống DSLR và DSLT. Chỉ cần sử dụng thực tế cả hai loại máy trên là bạn sẽ có được cảm nhận khá rõ về tính khác biệt trong hai hệ thống này. Dù có những ưu điểm nhất định nhưng dường như DSLT của Sony lại không được đón nhận và sử dụng nhiều như các model DSLR từ Canon và Nikon. Có lẽ cả Nikon và Canon đều nhận thấy các yếu điểm của mình nên đã liên tục nâng cấp thiết bị để không phải chịu thua thiệt, trong khí đó Sony lại cố gắng phát triển hệ thống Mirrorless hơn là tập trung nghiên cứu để cải tiến các model ngàm A.

>>> Hiện Thế Giới Điện Máy Binh Minh Digital đang có chính sách mua trả góp máy ảnh chính hãng tại các chi nhánh Đà Nẵng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nha Trang và các chi nhánh khác trên toàn quốc.

Copyright © 2015 CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VÀ PHÂN PHỐI BÌNH MINH

GPDKKD số 0310697334, cấp ngày 17/03/2011 tại Sở kế hoạch và Đầu tư TP.Hồ Chí Minh
Trụ sở chính: 116 Nguyễn Văn Thủ, phường Đa Kao, quận 1, TP.Hồ Chí Minh, Việt Nam
Show room:Toà Sarica B.002, Đường D9, Khu Đô Thị Sa La, Phường An Lợi Đông, TP. Thủ Đức (Quận 2 cũ)
Hồ Chí Minh, Việt Nam, 700000